KẾT QUẢ XSKT MIỀN NAM
LIÊN KẾT WEBSITE
XEM KẾT QUẢ THEO NGÀY
LIÊN KẾT BÁO
ẢNH HOẠT ĐỘNG

Tổng kết 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở: Gần 99% vụ việc hòa giải thành

dokhoa 12/06/2019 07:55

Ngày 07/6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh chủ trì hội nghị Tổng kết 05 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở năm 2013 trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 15 cá nhân

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; Đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố; Công chức Tư pháp - Hộ tịch các xã, phường, thị trấn.

Hòa giải là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mang đậm tính nhân văn, là hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật. Mục đích của hòa giải ở cơ sở là nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, hàn gắn vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình, mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đã tác động tích cực trong đời sống xã hội; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất và hoạt động có hiệu quả; tạo bước chuyển biến trong công tác hòa giải ở cơ sở, hầu hết các tổ hòa giải đã được kiện toàn bảo đảm đúng số lượng và thành phần theo quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên. Tỷ lệ hoà giải thành ngày càng tăng, góp phần giúp chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong Nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp.

Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác hòa giải, trong những năm qua, hoạt động của các tổ và ban hòa giải trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

UBND tỉnh, các ngành, đơn vị và địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, tổ hòa giải; đồng thời, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động hòa giải ở cơ sở. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật và văn bản hướng dẫn thi hành cũng được chú trọng triển khai với việc tổ chức 08 Hội nghị triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và 74 cuộc cho đối tượng hòa giải viên ở cơ sở với 3.404 lượt người tham dự; biên soạn, in ấn và phát hành 191.000 tài liệu tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị và Nhân dân,… nhằm chuyển tải kịp thời chính sách, văn bản pháp luật mới đến hòa giải viên, cung cấp thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật để phục vụ công tác hòa giải của các hòa giải viên trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 500 Tổ hòa giải với hơn 3.300 Hòa giải viên. 05 năm qua, các tổ hòa giải, hòa giải viên trên địa bàn tỉnh đã tiến hành thụ lý hòa giải trên 10.000 vụ việc, trong đó hòa giải thành gần 10.000 vụ việc, đạt tỷ lệ 98,3%, vượt chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao.

Ngoài ra, việc nâng cao nghiệp vụ đội ngũ hòa giải viên được địa phương đặc biệt quan tâm. Trong 05 năm qua, toàn tỉnh tổ chức trên 90 lớp tập huấn nghiệp vụ hòa giải, trên 92% hòa giải viên được bồi dưỡng. Năm 2014, UBND tỉnh tổ chức dạy và học pháp luật trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang, với gần 3.000 học viên tham gia khóa học. Trong 05 năm, cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã khen thưởng cho trên 175 tập thể và hơn 480 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt, trong năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng 10 tổ hòa giải và 15 hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian tiến hành tham luận. Hội nghị đã nhận được các ý kiến phát biểu tham luận đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn trong thời gian tới như: Vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với công tác hòa giải ở cơ sở; Công tác hòa giải ở cơ sở đối với Tổ hòa giải; Công tác hòa giải ở cơ sở đối với cá nhân; Vai trò của Phòng Tư pháp đối với công tác hòa giải ở cơ sở…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh biểu dương và ghi nhận sự đóng góp của các hòa giải viên, các tổ hòa giải đã góp phần cho công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Để hoạt động hòa giải ở cơ sở đạt được kết quả tốt, thời gian tới, ông Đồng Văn Thanh yêu cầu các cấp, các ngành cần thực hiện một số giải pháp, đó là: Tăng cường, đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức đối với vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở và ý thức chấp hành pháp luật; giáo dục tính tự nguyện lựa chọn hình thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn cho mọi tầng lớp Nhân dân. Tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và kiểm tra, giám sát đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, kỹ năng hòa giải; tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải; tạo điều kiện cho hòa các giải viên trong việc tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hòa giải ở cơ sở; đồng thời, nhân rộng mô hình, điển hình trong công tác hòa giải nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư nhằm khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng xã hội bình yên, giàu mạnh, xây dựng ý thức “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” trong Nhân dân.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 05 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang./.

                                                                                Huyền Vũ

nguồn "Cổng thông tin điện tử Hậu Giang"
Chia sẻ

TIN KHÁC

TIN NỔI BẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
LIÊN KẾT BÁO
ẢNH HOẠT ĐỘNG