KẾT QUẢ XSKT MIỀN NAM
LIÊN KẾT WEBSITE
XEM KẾT QUẢ THEO NGÀY
LIÊN KẾT BÁO
ẢNH HOẠT ĐỘNG

11 sản phẩm nông, thủy sản được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm

dokhoa 03/07/2020 09:27

Vừa qua (ngày 26/6/), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn chủ trì cuộc họp sơ kết thực hiện Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh (Đề án). Cùng tham dự có Lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và địa phương, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia Đề án.

Các đại biểu thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Trên cơ sở Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019; ngày 07/8/2019, UBND tỉnh ban hành Đề án Quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cùng các địa phương khảo sát, tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở, hợp tác xã trong tỉnh tham gia Đề án.

Sau gần 01 năm triển khai thực hiện, đã có 11/11 sản phẩm theo Đề án được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm (cụ thể là: Trà mãng cầu - Cơ sở sản xuất trà mãng cầu Diễm Phượng, Cá thát lát - HTX Kỳ Như, Kẹo đậu phộng - Cơ sở Kẹo đậu phộng Song Phụng, Khóm cầu đúc - HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, Xoài cát Bảy Ngàn - HTX Xoài Cát Bảy Ngàn, Sữa dê Ngọc Đào - Cơ sở Chăn nuôi dê và Chế biến sữa dê Ngọc Đào, Chanh không hạt - HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, Bưởi da xanh - HTX Tiến Nông, Trái mãng cầu - HTX Mãng cầu xiêm Thuận Hòa, Quýt đường - HTX Quýt đường Long Trị, Rượu cam sành - Cơ sở sản xuất tỏi đen LPT). Theo Đề án, tổng số tem hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, hợp tác xã là 3.000.000 tem (2.000.000 tem dán, 1.000.000 tem treo); đến nay các đơn vị đã đăng ký 70.000 tem, đã cấp 24.000 tem đạt 2,3%.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án cũng gặp những khó khăn, hạn chế như: một số cơ sở thiếu trang thiết bị để truy cập vào hệ thống, gây khó khăn trong quá trình dán tem truy xuất nguồn gốc và thao tác quản lý, cập nhật thông tin...; một số sản phẩm sau khi được phê duyệt thực hiện Đề án thì hợp tác xã không còn sản xuất, cơ sở ngừng hoạt động.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, các đại biểu đã thực hiện các thao tác để truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với sản phẩm chanh không hạt, mãng cầu xiêm, trà mãng cầu…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của Sở Công Thương, các sở, ban ngành liên quan, địa phương và các cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai thực hiện Đề án; các đơn vị đã thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, hợp tác xã tham gia Đề án, tổ chức tập huấn việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm; riêng Sở Công Thương đã thành lập Tổ thực hiện Đề án tại Sở để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Trong thời gian tởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị tiếp tục vận động các cơ sở, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm nông, thủy sản tham gia Đề án; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã hoàn thiện, cập nhật đầy đủ thông tin sản phẩm. Các sở, ngành liên quan và địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đảm bảo hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia Đề án.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các hợp tác xã, cơ sở sản xuất tích cực tham gia Đề án, tăng cường việc đăng ký, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời, kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời tháo gỡ./.

                                                                      Thanh Nguyễn

nguồn "Cổng thông tin điện tử Hậu Giang"
Chia sẻ

TIN KHÁC

TIN NỔI BẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
LIÊN KẾT BÁO
ẢNH HOẠT ĐỘNG