KẾT QUẢ XSKT MIỀN NAM
LIÊN KẾT WEBSITE
XEM KẾT QUẢ THEO NGÀY
LIÊN KẾT BÁO
ẢNH HOẠT ĐỘNG

Lãnh đạo các ngành, các cấp phải nêu gương trong ứng dụng công nghệ thông tin

dokhoa 05/10/2018 07:44

           Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu tại Hội nghị trực tuyến về ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh sáng nay (03/10). Cùng tham dự hội nghị có ông Nguyễn Quốc Ca, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, các sở, ban ngành và 8 địa phương tại các điểm cầu trực tuyển.

Quang cảnh hội nghị

Trong thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng CNTT nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng một Chính quyềnhiệu lực, hiệu quả hơn, thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực ứng dụng CNTT và đạt được những kết quả quan trọng.

Về hạ tầng kỹ thuật CNTT, tỷ lệ máy tính được trang bị cho cán bộ công chức: 0,8 máy/cán bộ, công chức, 100% các cơ quan hành chính nhà nước được trang bị mạng nội bộ (LAN) và được kết nối Internet. Hệ thống họp trực tuyến đảm bảo cho các cuộc họp của UBND tỉnh với các huyện diễn ra nhanh chóng, kịp thời và tiết kiệm chi phí cho các đơn vị. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai đến cấp xã,...

Về ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ cơ quan nhà nước, có hơn 200 đơn vị sử dụng phần mềm Quản lý văn bản để gửi, nhận văn bản điện tử, giúp việc tra cứu, khai thác văn bản được thuận lợi, nhanh chóng, rút ngắn thời gian xử lý công việc hàng ngày của các cơ quan, góp phần cải cách hành chính; hơn 700 cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm Quản lý hồ sơ cán bộ công chức; một số phần mềm quản lý của ngành cũng được các đơn vị sử dụng để phục vụ cho công tác chuyên môn,...

Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, hơn 40  đơn vị có Cổng/ Trang thông tin điện tử hoạt động có hiệu quả, cung cấp thông tin phục vụ cho người dân và doanh nghiệp; Cổng dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai đến hơn 100 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Cổng cung cấp hơn 12.000 thủ tục trực tuyến mức 2, gần 300 thủ tục mức 3, 68 thủ tục mức 4. Ngoài ra, một số sở, ngành cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý như: hệ thống quản lý đất đai; quản lý thuế, khai báo thuế qua mạng, doanh nghiệp nộp thuế qua mạng có ứng dụng chữ ký số, cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe...

Về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, toàn tỉnh có 98 công chức, viên chức có trình độ chuyên môn CNTT từ cao đẳng trở lên, trong đó phần lớn tốt nghiệp đại học và 2 thạc sĩ,...

Tuy nhiên, theo đánh giá việc ứng dụng CNTT thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế và còn một số vấn đề đặt ra như: Việc bố trí kinh phí cho ứng dụng CNTT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; lãnh đạo một số cơ quan chưa quan tâm sâu sát đến lĩnh vực CNTT nên quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn và hiệu quả chưa cao; nguồn nhân lực CNTT của tỉnh còn thiếu, yếu; Tỉnh chưa có cơ chế đặc thù nhằm thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin; số lượng hồ sơ nộp trực tuyến còn rất ít do người dân chưa được tiếp cận với các dịch vụ của các cơ quan hành chính,... Đặc biệt là Hậu Giang chỉ xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố về chỉ số sẳn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2018 (VIET NAM ICT INDEX 2018).

Hội nghị cũng đã nghe nhiều báo cáo tham luận về ứng dụng CNTT trong công tác quản lý ngành, địa phương và vai trò của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng CNTT của tỉnh.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các sở, ngành và địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu, đã đánh giá cao những kết quả đạt được bước đầu về lĩnh vực CNTT và chỉ ra những tồn tại hạn chế như: Hạ tầng kỷ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền điện tử; công tác an toàn, an ninh thông tin chưa được đảm bảo; nguồn nhân lực thiếu và chưa chất lượng; các phần mềm ứng dụng chưa liên thông và chưa kết nối với Bộ, ngành trung ương.

Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các ngành, các cấp quyết tâm cao và gương mẫu trong việc ứng dụng CNTT; tăng cường sử dụng công cụ CNTT trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kiểm tra, giám sát công việc cấp dưới, lấy sự hài lòng của người dân làm trọng tâm.

Chủ tịch đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử, trình UBND tỉnh phê duyệt đề án Chính quyền điện tử, khung kiến trúc Chính quyền điện tử; xây dựng và ban hành quy chế xử lý văn bản; xây dựng mạng dùng riêng của UBND tỉnh; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 theo quy định của trung ương; đưa vào tiêu chí thi đua khen thưởng hàng năm việc ứng dụng CNTT của các cơ quan, đơn vị; phối hợp và hỗ trợ với VNPT, Viettel, Bưu điện tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng và phần mềm CNTT; đánh giá lại hiệu quả việc ứng dụng CNTT, bồi dưỡng ký năng sử dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác an toàn, an ninh, thông tin; tham mưu UBND tỉnh cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT.

          Ngoài ra, Ông cũng đề nghị Văn phòng UBND tỉnh khẩn trương hoàn thành kết nối liên thông gửi nhận văn bản với trục liên thông quốc gia; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch ứng dụng chữ ký số và lộ trình sử dụng văn bản điện tử trình UBND tỉnh ban hành; đảm bảo hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh; lập kế hoạch yêu cầu các cơ quan ngành dọc tham gia giải quyết hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh./.

                                                                                        PTH

nguồn "Cổng thông tin điện tử Hậu Giang"
Chia sẻ

TIN KHÁC

TIN NỔI BẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
LIÊN KẾT BÁO
ẢNH HOẠT ĐỘNG